Ấn tượng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Học viện Phật giáo Hà Nội
Chư Tôn đức và Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã có một đêm kỷ niệm ngày 20/11 ngoài trời thật đặc biệt và ấn tượng, tại Quảng trường Viên Quang.
Tham dự ngày kỷ niệm có Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện; Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Viện trưởng Học viện cùng chư Tôn đức Văn phòng Học viện và hơn 500 Tăng Ni sinh đang theo học tại đây.
Sau nhiều tháng cấm túc tại Học viện với hình thức: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng, chống dịch covid-19, tối qua, thầy trò Học viện đã có dịp gặp gỡ, trò truyện, cùng nhau ôn lại câu chuyện về những người thầy, những kỷ niêm đã qua, nhiều nét đẹp truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam được chia sẻ.
Ngày 20/11 hàng năm từ lâu đã trở thành ngày lễ ” tôn sư trọng đạo”. Đây là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, tri ân tới những người đã góp công góp sức và cả tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội Phật giáo ngày càng phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện nhấn mạnh: “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý và luôn được cả xã hội đặc biệt quan tâm, coi trọng, tôn vinh. Hình ảnh người thầy đã trở thành một biểu tượng cao đẹp. Các thầy luôn đem hết khả năng, tâm huyết trong việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thụ tri thức, kinh nghiệm cho các thế hệ, Tăng ni sinh cần giữ gìn và phát huy những giá trị cao quý này”.
Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện phát biểu
Được biết, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đào tạo trên 1.500 cử nhân Phật học, 400 Tăng Ni có trình độ cao đẳng, đang đào tạo tiếp 500 cử nhân Phật học và 147 thạc sỹ, 18 tiến sỹ hiện đang theo học.
Trong thời gian vừa qua, Học viện đã cải tiến khung chương trình mới được áp dụng vào giảng dạy đã nâng cao chất lượng học tập. Học viện đã áp dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy để thích ứng với tình hình mới, áp dụng hình thức cho tự quản đối với Tăng ni sinh.
Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, với nguồn xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng…đáp ứng tốt nhu cầu tu học của Tăng ni sinh.
Cùng nhìn ngắm lại những hình ảnh đẹp của thầy và trò Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà nội:
Năng Lượng/ Ban TTTV Học Viện