Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Sáng ngày 15/10/2022 (tức 20/9/Nhâm Dần), Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017 – 2022, đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ 2022 – 2027 tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tại Hà Nội.
Quang lâm chứng minh Hội nghị có sự hiện diện Hòa thượng Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương; cùng Chư tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội; lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo các tỉnh, các Học viện; trường trung cấp Phật học…
Tại buổi lễ tổng kết, Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN phát biểu, trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban Giáo dục Trung ương đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chất lượng Giáo dục Tăng tài cho Giáo hội được nâng cao, các hoạt động ngày càng đi vào thực tế, đúng chuyên môn.
Nhiệm kỳ vừa qua là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Giáo dục Phật giáo, khi Giáo hội được nhà nước cấp phép đào tạo hệ sau đại học. Đây là dấu ấn cũng như thành tựu to lớn của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.
Ban Giáo dục Trung ương đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về Nâng cao chất lượng dạy và học ở các Học viện và Trung cấp Phật học,cải tiến giáo trình, phương pháp dạy; hay nhiều hoạt động từ thiện xã hội như chung tay cùng đất nước phòng, chống đại dịch COVID-19…
Các Học viện đã chính thức liên kết đào tạo với một số đại học danh tiếng ở nước ngoài như: đại học Nalanda và Trung tâm Phật học K.J. Somaiya (Ấn Độ), đại học Mahachulalongkorn (Thái Lan), đại học Sư phạm Phúc Kiến, đại học Sư phạm Hoa Trung và đại học Liên Hợp Bắc Kinh (Trung Quốc), đại học Phật Quang Sơn (Đài Loan) v.v…. góp phần nâng cao uy tín cho giáo dục Phật giáo Việt Nam, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các nước trên thế giới.
Theo đó, Cả nước có 04 Học viện đào tạo chương trình Cử nhân Phật học và sau Đại học; 08 lớp Cao đẳng Phật học, 34 trường Trung cấp Phật học, và 50 lớp Sơ cấp Phật học.
Về đào tạo Sau Đai học, Học viện Phật giáo TP. Hồ Chí Minh: Khóa I có 59 tăng ni tốt nghiệp thạc sĩ, đang đào tạo Khóa II, III, IV, V có 140 Học viên thạc sĩ, có 19 Nghiên cứu sinh đang theo chương trình tiến sĩ Phật học khóa I và II.
Học viện Phật giáo tại Hà Nội, đã và đang đào tạo 3 Khóa, Khóa III có 126 Học viên, hiện có 6 vị tốt nghiệp thạc sĩ; có 18 Nghiên cứu sinh đang theo chương trình tiến sĩ Phật học khóa I và II.
Học viện Phật giáo VN tại Huế: Đang đào tạo chương trình thạc sĩ Khóa II, có 21 thạc sĩ Khóa I tốt nghiệp, chiêu sinh Khóa III.
Về cơ sở vật chất, hiện 4 Học viện đều đã hoàn tất xây dựng giai đoạn 1 đầy đủ quy mô xứng đáng là những Đại học Phật giáo tiêu biểu trong khu vực, diện tích mỗi học viện trên 20 héc ta, đáp ứng nhu cầu tu học nội trú 100%, các tòa nhà Học đường với trang thiết bị học đường hiện đại, Khu cư xá rộng rãi, tòa nhà thư viện lớn, khu thể thao, khu vườn sinh thái …
Học viện PGVN tại Hà Nội xây dựng toà nhà Viên Quang bao gồm: Bảo tháp Viên Quang, khu nhà Liên hợp trai đường do Ban Dự án xây dựng Học viện đầu tư đã hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động.
Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện công trình xây dựng giai đoạn 2 tại Học viện cơ sở 2 với 03 hạng mục lớn gồm: 1. Đại Chánh điện, 2. Thư viện và 3. Tòa học đường. Cho đến nay đã hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1, đang tiến hành chuẩn bị phương án xây dựng giai đoạn 2.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cơ sở mới đã hoàn thành giai đoạn một, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Đến nay, việc xây dựng giai đoạn 1 khu hiệu bộ đã hoàn tất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng sinh tu học.
Hệ thống 34 trường Trung cấp và Cao đẳng của cả nước rất nhều cơ sở cũng được xây dựng mới và có cơ sở độc lập, không như trước đây Trường Trung cấp hầu như mượn cơ sở của chùa.
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ mà GHPGVN giao phó, đạt được những kết quả tốt đẹp trong công tác đào tạo nguồn năng lực trẻ tăng ni và sinh viên cho GHPGVN nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Tất cả thành tựu này góp phần vào sự phát triển ngành Giáo dục Phật giáo trong xu hướng và hội toàn cầu.
Nhân dịp này, có 01 tập thể và 16 cá nhân được nhận Bằng Tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội, và 82 cá nhân được nhận Bằng Tuyên dương công đức của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.
Năng Lượng