Giáo dục Phật giáo tạo nguồn lực cho sự phát triển

Giáo dục Phật giáo tạo nguồn lực cho sự phát triển

Gần 40 năm qua, các thế hệ Tăng tài của cả nước, vẫn luôn nhớ về Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Hà Nội với những ký ức không bao giờ quên.

Ngày 10/01/2022 (tức 08/12/Tân Sửu), Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Học viện trong không khí trang nghiêm. Trải qua 40 năm hình thành phát triển, Học viện đã đào tạo hàng ngàn Tăng Ni sinh cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là những nguồn lực quan trọng đủ hạnh tuệ đảm trách Phật sự hoằng pháp trong các lĩnh vực ở khắp mọi miền của Tổ quốc.


Tham dự và chứng minh buổi lễ có Hòa thượng (HT) Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); HT Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương; HT Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS; HT Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS; HT Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Khoa học Học viện;

HT Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS; HT Thích Thanh Điện – Phó Tổng Thư ký – Chánh Văn phòng 01 Trung ương; cùng Thượng tọa (TT) Thích Thanh Tuấn; TT Thích Đạo Hiển; TT Thích Minh Quang – Đồng Phó Viện trưởng Học viện; cùng nhiều cựu Tăng Ni sinh HVPGVN tại Hà Nội qua các khóa.

Trong bài diễn văn kỷ niệm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Trung ương, Viện trưởng Học viện cho biết:

Năm 1980, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đề nghị và được Nhà nước chuẩn y mở Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, thời gian mỗi khóa học là 04 năm. Đến năm 1997, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ ra quyết định đồng ý để đổi tên Trường Cao cấp Phật học Việt Nam thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Chùa Quảng Bá, chùa Quán Sứ là những địa điểm đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo ở phía Bắc. Đến năm 1994 – 1998, mở ra giai đoạn phát triển liên tục của HVPGVN tại Hà Nội. Đến nay, Học viện đã và đang đào tạo được 08 khóa hệ cử nhân, 07 khóa hệ cao đẳng và 04 khóa hệ liên thông. Chỉ riêng với hệ cử nhân, qua 07 khóa học, Học viện đã cung cấp cho Giáo hội và xã hội gần 2.000 vị Tỳ Khiêu có học vị Cử nhân Phật học.

Từ năm 2018, Học viện đủ điều kiện chiêu sinh và mở hệ đào tạo sau Đại học. Theo đó, khoá 1, Học viện có 48 học viên cao học và  nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Đến nay, có 04 khóa đang đào tạo, với tổng số 226 học viên, trong đó 197 học viên cao học và 29 nghiên cứu sinh.

Bằng nguồn vốn xã hội hoá, từ năm 2004, HVPGVN mở rộng quy mô đào tạo và cơ sở trường lớp tại xã Phù Linh, Sóc Sơn. Học viện đã đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt tu học nội trú cho trên 01 ngàn Tăng Ni sinh. Đó là: Giảng đường, Bảo tàng, ký túc xá, trai đường, thư viện, sân thể thao, nhà công vụ…

Ngoài ra, Tăng Ni sinh còn được rèn luyện các kỹ năng hoằng pháp; nghi lễ theo phương châm “học để tu, tu để học”. Học viện còn là nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế.

Nếu giáo dục là tấm gương sinh động và trung thực phản ánh trình độ văn hóa, sự thịnh suy của mỗi quốc gia; thì, giáo dục Phật giáo phản ánh rõ nét những cung bậc thăng trầm của Phật giáo trong tiến trình lịch sử.

Chặng đường phía trước còn dài, HVPGVN tại Hà Nội luôn thực hiện sứ mệnh cao cả đào tạo những thế hệ Tăng Ni sinh vừa uyên thâm về giáo lý Phật giáo, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa có khả năng truyền tải Phật pháp ứng dụng đến quần chúng nhân dân và Phật tử. Từ đó nhận thức đúng, hiểu sâu chân lý Phật, nhằm giải quyết các các vấn nạn thực tế đặt ra trong đời sống đương đại, để giáo dục Phật giáo luôn là nguồn lực cho sự phát triển.

 

Năng Lượng