Báo cáo tại lễ tốt nghiệp khóa XI
BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VÀ XÂY DỰNG HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG
Học viện được thành lập vào năm 1983 do Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM cấp giấy phép hoạt động theo quyết định số 160/QĐ/UB ngày 17 tháng 10 năm 1983 và chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 1984 cho đến nay, dưới sự lãnh đạo tuần tự của 02 vị Trưởng lão Hòa thượng đó là: 1/ Cố Trưởng lão Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu (Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Viện trưởng sáng lập Học viện) làm Viện trưởng từ năm 1983 đến 2008; 2/ Trưởng lão Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng (Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN) làm Viện trưởng từ 2009 đến nay. Mục đích của Học viện là nhằm đào tạo thế hệ trẻ Tăng Ni với đức trí song toàn để kế thừa và phát triển đạo Phật theo con đường giáo dục Phật giáo, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (nói riêng) và đất nước Việt Nam (nói chung).
Học viện có lực lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 118 vị, trong đó có: 03 Giáo sư Tiến sĩ, 03 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 83 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 05 học giả, 01 Bác sĩ và 07 vị Hòa thượng và Thượng tọa. Ngoài ra, Học viện còn mời thỉnh giảng là 53 vị, trong đó có: 03 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 03 Tiến sĩ, 39 Thạc sĩ và 8 Cử nhân. Ban đầu, từ một khoa Phật học đã phát triển thành 11 khoa bao gồm: 1/ khoa Hoằng pháp; 2/ khoa Phật giáo Việt Nam; 3/ khoa Lịch sử Phật giáo; 4/ khoa Triết học Phật giáo; 5/ khoa Trung văn; 6/ khoa Pali; 7/ khoa Sanskrit; 8/ khoa Công tác xã hội; 9/ khoa Anh văn Phật pháp; 10/ khoa Sư phạm Giáo dục mầm non và 11/ Khoa Đào tạo từ xa.
Trong suốt 34 năm qua (1984-2018), Học viện đã và đang đào tạo 13 khóa (hệ chính quy), 5 khóa (hệ đào tạo từ xa) theo chương trình Cử nhân Phật học và 2 khóa chương trình thạc sĩ Phật học, với tổng số 5.928 Tăng Ni sinh và cư sĩ Phật tử; trong đó đã có 3.712 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học, 320 Tăng Ni sinh khóa XI sẽ tốt nghiệp sáng nay và 1.703 sinh viên đang theo học. Về chương trình Thạc sĩ Phật học, có 22 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 171 Tăng Ni sinh hiện đang theo học.
- BÁO CÁO CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO KHÓA XI (2015- 2019)
- Tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XI (2015- 2019)
Được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN theo Công văn số: 133/CV/HĐTS ngày 14/4/2015 và của Ban Tôn giáo Chính phủ theo Công văn số: 342/TGCP-PG, ngày 21/4/2015, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo tại TP.HCM đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XI (2015- 2019) vào Chủ Nhật, ngày 12/7/2015 (nhằm ngày 27/5 năm Ất Mùi) tại trường Trung học Phổ thông Phú Nhuận, số 5, đường Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM với tổng số Tăng Ni thí sinh đăng ký dự thi là 572 (trong đó, có 555 thí sinh có mặt dự thi và 17 thí sinh vắng mặt). Đến chứng minh và tham dự lễ khai mạc kỳ thi tuyển sinh có sự hiện diện quý báu của: HT. Thích Thiện Pháp (Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương); HT. Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh); HT. Thích Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh); HT. Thích Huệ Trí (Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN); HT. Thích Tịnh Hạnh (Ủy viên HĐTS, Phó Ban Trị sự GHPGVN Tp.HCM); HT. Thích Huệ Minh (Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận); NT. Thích nữ Tịnh Nguyện (Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương); sự hiện diện của Ông Lê Hoàng Vân (Phó Ban Tôn giáo TP.HCM); Bà Đặng Thị Yến (Hiệu trưởng trường PTTH Phú Nhuận); chư Tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện; đại diện Đài truyền hình An Viên (AVG); Báo Giác Ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo và các trang mạng: giacngoonline, phattuvietnam.net đã đến tham dự và đưa tin; cùng với 555 Tăng Ni thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 2015.
Trong kỳ thi tuyển sinh khóa XI (2015- 2019), các thí sinh sẽ dự thi 3 môn như sau: 1/ môn Phật học với hệ số 2 (40/40 điểm); 2/ thi môn Việt văn hệ số 1 (20/20 điểm) và 3/ môn Ngoại ngữ hệ số 1 (20/20 điểm).
Sau 03 ngày thi tuyển, Hội đồng chấm thi đã bắt đầu làm việc từ ngày 15/7/2015 đến ngày 22/7/2015 để chấm bài thi của các Tăng Ni thí sinh. Kết quả là có 413 Tăng Ni thí sinh được trúng tuyển với điểm số sàn là 40/80 điểm. Thí sinh đạt Thủ khoa trong kỳ thi tuyển là 03 Ni sinh với tổng số điểm cao nhất 65.50/80 điểm. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các Ban Trị sự tỉnh/thành về việc xét vớt cho các thí sinh, Hội đồng Điều hành Học viện đã có 02 phiên họp để xét vớt cho các Tăng Ni thí sinh theo 02 đợt:
- Xét duyệt đợt I (gồm 14 vị): Học viện đã xét vớt cho 09 thí sinh có số điểm 39,50/80 điểm và 05 trường hợp đặc biệt (03 trường hợp do các Hòa thượng lãnh đạo Trung ương Giáo hội bảo lãnh như: HT. Thích Giác Nhường - Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, HT. Thích Thiện Tánh - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN, và HT. Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; 01 trường hợp thí sinh quốc tịch Canada do HT. Thích Minh Thiện - Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Long An đã kiến nghị; và 01 thí sinh ở vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Kon Tum do HT. Thích Quảng Xả (Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Kon Tum) đề nghị.
- Xét duyệt đợt II (gồm 99 vị): Hiện nay, theo danh sách điểm thi tốt nghiệp, các Tăng Ni thí sinh có số điểm đạt từ 39/80 điểm đến 30/80 điểm là 99 vị. Hội đồng Điều hành Hoc viện xét tuyển bổ sung đợt II nhằm đào tạo 01 lớp học riêng cho các đối tượng như trên. Cho đến hôm nay, các Tăng Ni thí sinh đã đăng ký tại Văn phòng Học viện tham gia khóa học là 51 vị.
Như vậy, tổng cộng số Tăng Ni sinh tham gia học chương trình cử nhân Phật học khóa XI (2015- 2019) là 521 sinh viên. Tính thời điểm nay, tổng số lượng sinh viên hiện đang theo học là 442 sinh viên.
- Kết quả đào tạo cử nhân Phật học khóa XI (2015- 2019)
Sau 03 năm được đào tạo theo hệ thống tín chỉ, các Tăng Ni sinh phần lớn đã hoàn tất chương trình học cử nhân Phật học với 129 tín chỉ trong vòng 3 năm, thay vì là 04 năm. Hiện nay, đã có 320 sinh viên khóa XI thuộc 06 khoa (khoa Pali: 33 vị; khoa Triết học Phật giáo: 80 vị; khoa Trung văn: 36 vị; khoa Phật giáo Việt Nam: 43; khoa Lịch sử Phật giáo: 48 vị; khoa Hoằng pháp: 80 vị) cùng 16 sinh viên thuộc các khóa IX & X (hệ chính quy) và khóa II & III (hệ ĐTTX) đã đủ điểm tốt nghiệp. Như vậy, tổng cộng có 336 sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2018, trong đó có 6 Tăng Ni sinh thuộc 06 khoa đạt thủ khoa trong kỳ tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa XI lần này. Ngoài ra, còn 106 Tăng Ni sinh ở 03 khoa như: Sanskrit, Anh văn Phật pháp và Công tác xã hội thuộc khóa XI chưa học xong các tín chỉ để tốt nghiệp.
- THÀNH LẬP THƯ VIỆN
Để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các Tăng Ni sinh trong lãnh vực học thuật, Hội đồng Điều hành Học viện đã đề cử TT. Thích Chơn Minh (Trưởng khoa Lịch sử Phật giáo) giữ chức vụ Thư viện trưởng của học viện theo quyết định số152/QĐ.HVPG ngày 8 tháng 7 năm 2016. Sau gần 1 năm đầu tư cơ sở vật chất và các đầu sách nghiên cứu, thư viện đã chính thức mở cửa vào ngày 15 tháng 9 năm 2017 tại cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (xã Lê minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và hiện đang hoạt động rất tốt. Hiện nay, thư viện đã có 22.532 quyển sách, 10.076 tựa sách. Tổng số tiền đầu tư trên 3 tỷ đồng Việt Nam (bao gồm: 1,3 tỷ tiền sách và hoạt động, 500 triệu đồng tiền đóng tủ và 1,2 tỷ đồng tiền máy số hóa). Đến nay, Học viện đã hoàn thành giai đoạn đầu để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu cho các Tăng Ni sinh.
- TỔ CHỨC TU HỌC NỘI TRÚ CHO TĂNG NI SINH
Để nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức Phật học và đạo hạnh cho các Tăng Ni sinh trong việc tu học, Học viện đã tổ chức thí điểm cho các Tăng Ni sinh khóa XI lối sống tu học nội trú khép kín lần đầu tiên trong thời gian 04 năm học tập. Nếu mỗi Tăng Ni sinh nội trú được huấn luyện đào tạo tốt về phần trí thức và đạo hạnh sẽ dấn thân vào xã hội, tham gia công tác lợi đạo ích đời qua mọi việc làm từ thiện xã hội; giúp đỡ những người tàn tật và người già neo đơn; hướng dẫn mọi người tránh ác làm thiện, bảo vệ môi trường;…Tất cả những việc làm như trên sẽ đóng góp một phần cho sự phát triển xã hội ngày càng ổn định, đạo đức con người ngày một tăng trưởng, cuộc sống người dân luôn mãi bình yên, an lạc và hạnh phúc.
Chính vì tầm quan trọng của việc nội trú tu học của Tăng Ni sinh, Học viện đã quyết định miễn phí 100% mọi phương diện cho tất cả Tăng Ni sinh nội trú bao gồm: tiền học phí, chỗ ở, ăn uống, thuốc men, và các chi phí khác v.v... Trung bình tổng chi phí cho mỗi Tăng Ni sinh tu học nội trú là 1.000.000 đồng/tháng. Tổng chi phí mỗi tháng Học viện sẽ chi gần 1 tỷ đồng cho mọi sinh hoạt tu học nội trú của các Tăng Ni sinh khóa XI, XII và XIII.
- XÂY DỰNG HOC VIỆN MỚI (cơ sở II, Lê Minh Xuân)
Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nền giáo dục Việt Nam đang có những bước chuyển mình trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển đất nước. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2011, Học viện đã được UBND TP.HCM cấp 23,8 hecta đất để xây dựng một trường Đại học Phật giáo có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Với sự quan tâm và giúp đỡ tận tình của chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, quý vị lãnh đạo chính quyền các ban ngành TP.HCM và huyện Bình Chánh cũng như phường sở tại, Học viện cơ sở II đã chính thức đặt đá động thổ xây dựng vào ngày 4 tháng 11 năm 2012 (nhằm ngày 21 tháng 9 năm Nhâm Thìn) với sự cho phép của Ủy Ban Nhân dân TP.HCM theo công văn số 8388/VP-PCNC, ngày 24 tháng 10 năm 2012. Sau khi được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng công trình Học viện cơ sở II theo công văn số 154/GPXD vào ngày 17 tháng 10 năm 2014, Học viện đã hoàn tất các thủ tục như: giải tỏa, đền bù đất đai hoa màu, giao đất, v.v… Sau hơn 3 năm kể từ khi khởi công xây dựng năm 2012, nhờ sự quan tâm ủng hộ của Trung ương GHPGVN và sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính quyền và các cơ quan ban ngành thành phố, huyện Bình Chánh và xã Lê Minh Xuân; đặc biệt nhờ sự ủng hộ phát tâm hỷ cúng tịnh tài, tịnh vật của toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong nước và ngoài nước, công trình xây dựng Học viện mới tại xã Lê Minh Xuân đã được hoàn thành giai đoạn I với tổng chi phí gần 200 tỷ đồng gồm 04 hạng mục lớn như sau:
a/ 01 tòa nhà hành chánh: (gồm 3 tầng lầu), dài 80m với tổng diện tích là 5,851.6m2 bao gồm: 01 tầng trệt, 02 tầng lầu và 02 mái lồng.
b/ 01 tòa nhàlớp học: (gồm 5 tầng lầu), dài 55m, khoảng 30 lớp học với tổng diện tích là 5,264.20m2 gồm: 01 tầng trệt, 04 tầng lầu và 02 mái lồng.
c/ 03 Tòa nhà khu nội xá Tăng Ni: Công trìnhkhu nội xá gồm 02 tòa nhà được chia thành 2 khu Tăng Ni riêng biệt. Mỗi tòa gồm 5 tầng, mỗi tầng có 14 phòng, mỗi phòng có diện tích 32m2 gồm có 3 giường tầng dành cho 06 người. Như vậy, mỗi tòa có 70 phòng dành cho 420 vị. Tổng cộng 02 tòa nhà nội trú cho tăng ni sinh có 140 phòng dành cho 840 Tăng Ni sinh nội trú. Đặc biệt tòa nhà nội xá ni thứ 3 với 5 tầng lầu với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng. Tầng 1 và 2 sẽ bố trí làm lớp học, ba tầng lầu còn lại sẽ xây dựng 36 phòng nội trú cho các ni sinh, mỗi tầng gồm có 12 phòng.để đáp ứng nhu cầu nội trú cho Ni sinh.
d/ 01 giảng đường tiền chế: Được sử dụngtạm thời cho các Tăng Ni sinh có nơi sinh hoạt và tu học, với tổng diện tích là 2,400m2được chia làm 2 khu:
- Khu Trai đường kết hợp với Chánh điện tạm thời: với diện tích 1.764m2 có sức chứa 1.500 chỗ ngồi.
- Khu phục vụ: với diện tích 636 m2 bao gồm nhà bếp, kho thực phẩm, 02 phòng ăn khách VIP và 02 phòng ngủ cho những người phục vụ.
Để đánh dấu sự thành tựu lịch sử này, Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành công trình xây dựng giai đoạn I vào sáng ngày 8 tháng 5 năm 2016 – nhằm mùng 02 tháng 04 năm Bính Thân tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM; đồng thời đãchính thức đưa vào hoạt động giảng dạy và cho 367 Tăng Ni sinh nội trú tu học trong mùa An cư Kiết hạ PL. 2560 – DL.2016.
Tiếp tục cho công trình xây dựng giai đoạn II với tổng chi phí là 500 tỷ đồng dự kiến xây dựng 3 hạng mục: 1/ Ngôi Chánh điện 1800m2 với sức chứa 2.000 người; 2/ Tòa đại thư viện; 3/ Bảo tháp cao 80 mét. Bước đầu, để đáp ứng nhu cầu tu học tâm linh của Tăng Ni sinh nội trú cùng các Phật tử xa gần. Sáng nay, nhân ngày Lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa XI (2015- 2018) vào ngày Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm ngày 19 tháng 9 năm Mậu Tuất (tức ngày 27 tháng 10 năm 2018), học viện vừa long trọng tổ chức Lễ Động thổ đặt đá khởi công xây dựng ngôi Đại Chánh điện, dưới sự hiện diện chứng minh tối cao của Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng (đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM); HT. Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN) cùng chư tôn đức Trưởng lão Hòa thượng Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Chứng minh; chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội đồng Trị sự; các Ban/viện Trung ương; lãnh đạo các Ban Trị sự, các Học viện và các trường Phật học tại các tỉnh/thành trên toàn quốc cùng toàn thể quý thiện nam tín nữ Phật tử, các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân từ khắp mọi nơi đồng trở về tham dự trong ngày lễ trọng đại này. Có thể nói, một công trình xây dựng ngôi Đại Chánh điện có tầm cỡ quy mô lớn và mang đẳng cấp quốc tế, để Tăng Ni sinh nội trú có nơi sinh hoạt tu tập tâm linh với tổng kinh phí sự kiến là 200 tỷ đồng (Hai trăm tỷ đồng).
Vì vậy, Học viện rất mong chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, quý mạnh thường quân, ân nhân, thiện hữu tri thức cùng toàn thể quý Phật tử trong nước và ngoài nước, luôn tiếp tục hỗ trợ tịnh tài, tịnh vật cho công việc xây dựng ngôi Đại Chánh điện của Học viện được sớm được hoàn thành tốt đẹp.
- KẾT LUẬN
Kính thưa chư Tôn đức! Thưa liệt quý vị!
Sau nhiều năm nỗ lực và phấn đấu, Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong công tác xây dựng, giáo dục và đào tạo nguồn Tăng Ni sinh, sinh viên trẻ có tài đức cho GHPGVN (nói riêng) và đất nước Việt Nam thân yêu (nói chung). Tất cả những thành quả này chính là vào nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ tận tình của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Trung ương GHPGVN, quý vị lãnh đạo các cấp chính quyền; đặc biệt, nhờ sự đóng góp tâm lực, tài lực và sức lực của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử ở trong và ngoài nước.
Để từng bước góp phần tạo nên môi trường giáo dục của Phật giáo Việt Nam ngày một hoàn thiện tốt đẹp xứng tầm với quốc tế, rất mong chư Tôn đức cùng với Học viện thể hiện tinh thần trách nhiệm quan trọng và có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp giáo dục “truyền trì Đạo mạch, tục diệm truyền đăng” cho thế trẻ Tăng Ni kế thừa Phật giáo trong tương lai, nhằm báo đáp ân đức Phật và chư Tổ. Việc kiến tạo xây dựng ngôi Đại Chánh điện mang tầm cỡ quốc tế, không những chúng ta đã tạo nên một môi trường giáo dục tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam, làm nơi nương tựa tâm linh của đồng bào Phật tử; mà còn là không gian để nối kết tâm linh cho những người đang hướng về đạo Phật.